linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

BÀI 1: ĐIỀU DƯỠNG VÀ LÒNG TỰ TÔN NGHỀ NGHIỆP (P.1)

*** Bài của Ths Hoàng Anh Minh viết tặng diễn đàn ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM - CHIR

Tôi đã định viết một bài về chủ đề này để tặng cho các NVYT nhân ngày Quốc tế điều dưỡng 12.05 vừa rồi, nhưng vì thời gian chưa cho phép nên tới hôm nay mới hoàn thành được bài viết này. Tôi có động lực viết chuỗi bài viết này là bởi vì gần đây, chủ đề này trở thành vấn đề “nóng hổi” được bàn tán sôi nổi trên các kênh thông tin, câu lạc bộ, các bệnh viện, cơ sở y tế và điều dưỡng nói chung đều cảm thấy bất bình với sự không công bằng trong vị thế làm việc tại đơn vị mình. Thiết nghĩ, điều dưỡng cần được trả lại đúng vị thế nghề nghiệp của họ trong cơ sở y tế, và có được mức thu nhập xứng đáng hơn, có cơ hội nghề nghiệp cao hơn so với hiện tại. Làm được điều này, không những khối điều dưỡng sẽ hạnh phúc hơn với nghề nghiệp mà mình chọn lựa mà xã hội sẽ có được dịch vụ chăm sóc y khoa tốt hơn, tận tâm hơn; người bệnh sẽ hài lòng với trải nghiệm điều trị và chăm sóc của mình tại các cơ sở y tế hơn và rộng hơn nữa, tương lai của ngành Y tế Việt Nam sẽ khởi sắc và phát triển đúng với năng lực tiềm năng lớn mạnh của mình.

Hiện nay, câu lạc bộ “Đồng hành cùng điều dưỡng Việt Nam” đang hoạt động rất sôi nổi và có nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ. CHIR đã thực hiện rất nhiều các kết nối với các chuyên gia trong cùng lĩnh vực hoặc các lĩnh vực lân cận, nhằm tổ chức các khóa học, đào tạo từ online tới offline dành riêng cho khối điều dưỡng, nhằm thúc đẩy và bồi đắp cho nội lực của nhân lực ngành này. Theo tôi, đây là một con đường đúng đắn và cần có sự đầu tư thêm nữa trong thời gian tới từ toàn bộ hệ thống y tế, về các điều kiện từ tài lực, vật lực tới nhân lực, để đạt các mục tiêu đặt ra cho ngành này trong thời gian tới.
Trong khoảng 2 tháng trước, tôi và bạn Ths Trương Thị Mai Quyên - trưởng dự án ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐIỀU DƯỠNG VIỆT NAM của CHIR - có tham gia vào một dự án chung về đầu tư cho các cơ sở nhà điều dưỡng hay nhà dưỡng lão có chất lượng cao về chăm sóc, nên đã có một số cơ hội tiếp xúc với những cơ sở nhà dưỡng lão uy tín tại thị trường Thái Lan. Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối với đội ngũ chuyên gia nghiên cứu sâu về điều dưỡng và các dịch vụ điều dưỡng tại Thái Lan. Qua đây, chúng tôi đã hiểu được rất nhiều những thực trạng và khó khăn của việc vì sao các dịch vụ tương tự ở Việt Nam chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, cũng như có rất nhiều các cơ hội mở ra cho nhân sự ngành điều dưỡng nếu như chúng ta thực sự nỗ lực để học tập và trưởng thành trong ngành này.

Trong lúc rất nhiều các lãnh đạo đang suy nghĩ về việc làm sao để thay đổi cả một hệ thống, cơ cấu, tổ chức về nhân sự, giáo dục, thói quen đã hình thành nhiều thập kỷ về vai trò và vị thế của điều dưỡng tại các cơ sở y tế, tôi cho rằng chính nhân sự ngành này mới là chìa khóa để tự thay đổi vai trò và vị trí của mình trong cơ cấu. Không ai khác và không phải tự nhiên chúng ta cứ than vãn về nghề nghiệp thì chúng ta sẽ được ai đó nghe tới và thay đổi cho chúng ta. Đó là tư duy của những nhân vật cổ tích “khóc để bụt hiện lên hỏi: vì sao con khóc?”. Một khi các bạn chứng minh được năng lực của mình trong tổ chức, vị thế của các bạn tự thay đổi và tự được đề cao. Đây là “quyền lực mềm” thường tồn tại ở bất kỳ nơi nào, tổ chức nào, xã hội nào. Những ai có năng lực sớm hay muộn sẽ được cất nhắc và tôn trọng, dù có thể đúng ở nơi này mà không đúng ở nơi khác, về cơ bản nếu bạn thực sự có năng lực và thái độ công việc tốt, bạn sẽ tìm ra cho mình rất nhiều cơ hội để trưởng thành trong nghề và giữ một vị trí cao trong xã hội.

Vậy làm sao để có được quyền lực mềm này, để tăng dần vị thế của mình trong tổ chức? Theo tôi, điều đầu tiên các bạn cần có được là xây dựng một lòng tự hào hay tự tôn nghề nghiệp vững chãi trong chính bản thân các bạn.
Còn nhớ, cách đây khoảng nửa năm, tôi có dịp nói chuyện với một người bạn đang làm việc ở Mỹ về cái gọi là “Dignity”. Về cơ bản, dignity được hiểu như là nhân phẩm của con người. Đây được xem là quyền một con người được tôn trọng hay coi trọng trong xã hội vì lợi ích của chính họ, và được xã hội tôn trọng, đối xử một cách có đạo đức. Một ví dụ đơn giản như, một người ăn xin cũng cần được tôn trọng giá trị và nhâm phẩm của họ, được cư xử công bằng trong xã hội và được pháp luật bảo vệ quyền nhân phẩm của họ. Bạn tôi nói: dignity như một tài khoản ngân hàng, khi nó đầy, con người có đủ sự tự tin để làm mọi thứ, nhất là được tôn trọng phẩm giá của họ bởi những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, etc. Còn một khi nó vơi hay trống rỗng, con người ta sẽ mất tự tin, sẽ mất động lực, chán chường, cảm thấy mình kém giá trị và không muốn phấn đấu cố gắng nữa.

Trên trang fra.europa.eu có nói về nhân phẩm của con người “Human dignity is inviolable. It must be respected and protected. Text: The dignity of the human person is not only a fundamental right in itself but constitutes the real basis of fundamental rights.” (tạm dịch: Nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm. Nó phải được tôn trọng và bảo vệ. Nhân phẩm của con người không chỉ tự nó là một quyền cơ bản, mà nó còn là cơ sở thực sự của các quyền cơ bản”).

Tôi nói tới Dignity ở đây là bởi, nếu con người trong xã hội đều hiểu rằng quyền nhân phẩm của mình là bất khả xâm phạm, là quyền cơ bản và cơ sở của các quyền cơ bản khác, thì đa phần con người sẽ sống tốt, là người tốt, vì bản thân họ nhận biết giá trị không thể bị xâm phạm của bản thân mình. Đáng buồn là nhiều người trong xã hội, do giáo dục hoặc do bị đối xử tệ bạc, bị lạm dụng, họ luôn ngờ vực về nhân phẩm của bản thân, và vì thế họ trở thành người xấu, vô đạo đức, nghiện ngập, bạo lực, thậm chí tham gia vào các hành vi phạm pháp cướp của giết người. Cảm giác về việc không được chấp nhận, không có giá trị, không được cư xử như một con người chính là một trong số những nguyên nhân cốt yếu dẫn tới những hành vi không phù hợp trong một xã hội. Điều này nghe xưa như trái đất, nhưng nó đúng, đó là những đứa trẻ bị đối xử tệ bạc, lớn lên trong sợ hãi, đàn áp, bỏ rơi, đa phần là những đứa trẻ có nguy cơ cao phạm tội nghiêm trọng trong tương lai do nhận thức sai về “dignity” của mình.

Quay trở lại với chủ đề tự tôn, tiếng anh gọi là self-esteem, tôi thấy có một sự liên hệ khá tương đồng. Self-esteem không phải là một quyền (right) sinh ra đã có như Dignity, nó là một Giá trị (“Value”) mà chúng ta phải xây dựng lên. Những gì là giá trị, thì nó phải “gain”, hay tức là ta phải làm gì đó để có được nó, chứ không phải hiển nhiên tự nó có. Tức là ta phải xứng đáng với giá trị nào đó thì ta mới được công nhận về giá trị đó. Nhưng nó vận hành khá giống như cái “tài khoản ngân hàng dignity” như trên có nói. Một khi một người đầy lòng tự tôn và tự hào về bản thân, cảm nhận được sự tôn trọng như người thân, bạn bè, đồng nghiệp về con người, công việc, lối sống của họ, thì họ sẽ làm được mọi thứ hoặc có động lực để làm mọi thứ. Ngược lại khi một người không có hoặc thiếu lòng tự tôn về bản thân, nghề nghiệp, công việc của mình, người đó có xu hướng mất động lực, thiếu cảm hứng, làm việc như gánh nặng hoặc không thể phát huy hết thế mạnh bản thân, đôi khi trở thành gánh nặng cho người khác.

Lòng tự tôn được hiểu là việc nhận thức của một người nào đó về giá trị của bản thân mình, như nhận thức của họ về sự công bằng trong mối quan hệ với đồng nghiệp, về sự yêu thương của người thân trong mối quan hệ gia đình, sự đề cao đóng góp của họ cho một tổ chức, etc. Khi một cá nhân cảm thấy tự hào về bản thân họ, tự hào về công việc của họ, họ sẽ cố gắng phát huy bản thân để xứng đáng với những giá trị mà họ nhân thức về bản thân họ.

Một nghiên cứu của nhóm các tiến sỹ y khoa và bác sỹ trong đó có Tiến sỹ Siriphan Sasat, là cô giáo của Quyen Truong tại Thái Lan, xuất bản năm 2002 nghiên cứu về Lòng tự trọng và sinh viên ngành điều dưỡng của Thái Lan và UK trên tạp chí Nursing and Health Sciences (Tên đề tài: Self-esteem and student nurses: A cross-cultural study of nursing students in Thailand and the UK – tạm dịch: Lòng tự tôn và sinh viên ngành điều dưỡng: một nghiên cứu liên văn hóa với sinh viên ngành điều dưỡng tại Thái Lan và UK) đã cho ra một kết quả nghiên cứu khá thú vị như sau:

- Mức độ tự tôn rất cao về nghề nghiệp của sinh viên điều dưỡng ở Thái Lan là 12.5% trong khi tại UK là 5.9%; 36% sinh viên điều dưỡng tại UK có mức độ tự tôn trung bình về nghề nghiệp của mình trong khi tỷ lệ này tại Thái Lan là 43.3%, tuy nhiên mức độ tự tôn nghề nghiệp ở mức rất thấp tại UK là 13.9% thì tại Thái Lan là 9.2%.
- Mức độ tự tôn nghề nghiệp trong mối quan hệ về lòng từ hào (self-respect) ở khía cạnh khác như: tự hào nói chung (general), xã hội (social) và bản thân (personal) cũng tăng lên tương ứng cùng với lòng tự tôn nghề nghiệp ở Thái Lan so với ở UK.

Như vậy, chúng ta có thể thấy, sinh viên điều dưỡng tại UK không tự hào về nghề của mình hơn tại Thái Lan, thậm chí thấp hơn hơn tương đối, trong khi có thể nói nền giáo dục ở UK khá phát triển và thu nhập tương lai của sinh viên ngành này tại UK cũng khá cao. Theo một số thông tin từ các khảo sát về thị trường lao động, mức lương của một điều dưỡng có bằng đại học tại Thái Lan hiện vào khoảng 59,000 THB/tháng, tương đương khoảng 40 triệu đồng (GPD đầu người của Thái Lan gấp khoảng 2.5 lần Việt Nam), trong khi một registered nurse (“RN”) (y tá chính quy tương đương với tốt nghiệp đại học) vào khoảng 40,000 bảng Anh/năm, tức khoảng 100 triệu VND (GPD theo đầu người của Anh cũng tương tự).

Thu nhập nói chung của điều dưỡng tại Thái Lan cũng tương đương như Việt Nam nếu đưa về cùng sức mua đồng tiền (hoặc nhỉnh hơn Việt Nam một chút do thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Thái Lan phát triển hơn ở Việt Nam khoảng 10-15 năm, ở khối công lập có thể có mức lương thấp hơn, nhưng có thêm các khoản khác ngoài lương khác. Ngoài ra cần phân biệt rằng mức lương nói trên là tương đương với Điều dưỡng hạng/cấp 4 tại Việt Nam). Nếu so sánh thì thị trường Thái Lan so với thị trường Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là về nhận thức, văn hóa và lối sống (dù cơ hội nghề nghiệp cho ngành điều dưỡng tại Thái Lan cao hơn Việt Nam khá nhiều, đặc biệt là nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe). Tuy nhiên, từ đây có thể thấy, thu nhập thấp chưa chắc đã là mấu chốt của việc giảm tự tôn nghề nghiệp. Nhưng cái gì mới là cốt lõi nếu nó không phải là thu nhập? Để trả lời câu hỏi này, tôi xin phép sẽ phân tích sâu hơn trong bài viết sau vì bài này đã khá dài.

Tuy nhiên, theo tôi để giải quyết được bài toán nan giải của “vị thế điều dưỡng trong bệnh viện và cơ sở y tế”, việc đầu tiên chúng ta cần giải quyết chính là xây dựng lại lòng tự tôn/tự trọng/tự hào về nghề nghiệp của chính điều dưỡng. Điều này không ai có thể làm giúp cho các bạn mà phải từ chính nội lực và tư duy của các bạn. Không một ai ngay kể cả chính sách nhà nước, đồng nghiệp, tổ chức có thể xây giúp các bạn lòng tự hào nghề nghiệp, vì ngay kể cả môi trường công bằng, văn minh, thu nhập cao của điều dưỡng như tại UK, lòng tự tôn ấy còn thấp hơn đáng kể trong nghiên cứu nói trên so với một nước có sự tương đồng khá lớn với chúng ta như Thái Lan.

Lòng tự tôn cần phải được xây dựng từ hai góc độ: (1) bên trong và (2) bên ngoài. Các yếu tố bên trong, tức là từ chính chúng ta có ý nghĩa thúc đẩy còn các yếu tố bên ngoài chúng ta như chính sách, cơ chế, tổ chức, giáo dục, cơ cấu, etc. sẽ là đòn bẩy bồi đắp thêm cho sự trưởng thành nghề nghiệp. Nhưng muốn có được cái “đòn bẩy”, cần phải có chỗ mà “bẩy” được hay tựa vào, nói cách khác, đòn bẩy chỉ có tác dụng nếu nó có một điểm “bẩy” vững chắc. Muốn tổ chức, nhà nước đầu tư và chú trọng vào chúng ta, chúng ta cần chứng minh nội lực và khả năng của mình trước.

Câu hỏi đặt ra là, vậy cần phải bắt đầu từ đâu trong hành trình “Xây dựng lòng tự hào nghề nghiệp” này. Đây là một câu hỏi khó và đòi hỏi sự quyết tâm và kỷ luật của chính nhân sự ngành điều dưỡng. Tôi có vài gợi ý và suy nghĩ về điều này, xin phép sẽ chia sẻ trong bài tiếp theo.

Trân trọng,

 

 

THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team